NHẠC MOUSSORGSKY

Nhạc  Moussorgsky

 

Moussorgsky

Nay ta bàn tới nhà soạn nhạc chót trong sách là Modeste Petrovich Moussorgsky, 1839 - 1881. Ông là người có quan niệm thật rõ ràng, tuyên bố rằng ‘nhạc sĩ không nên đặt nền tảng nghệ thuật của mình theo những luật của quá khứ, mà theo nhu cầu của tương lai’. Và tuy ông quen thuộc những luật này, Moussorgsky soạn nhạc theo như ông cảm xúc, ‘không bị ràng buộc bởi truyền thống, là điều trở thành bản tánh thứ hai của nhạc sĩ soạn nhạc theo cách được dạy ở trường.’
Đời sống của ông dường như cũng không bị trói buộc y vậy bởi cách xử sự theo thói đời, nó buông thả tới nỗi ông chết chỉ vì phung phí đời mình, đầu tiên do tánh khí làm phật lòng hết thẩy bè bạn. Nhưng như ta sẽ thấy, đặc tính và cách sống của nhạc sĩ có liên kết mật thiết với sứ mạng của ông; ông là Baudelaire của âm nhạc, có vai trò làm thi vị hóa điều xấu xí và tồi tệ; mà ông cũng là Zola của âm nhạc, miêu tả những khía cạnh thấp hèn của cuộc sống.
Độc giả nào đã kiên nhẫn theo dõi những bài phân tích các nhà soạn nhạc từ trước nay trong sách, sẽ không cần có phân tích tỉ mỉ nghệ thuật của Moussorgsky để cảm biết về sự thực trong nhận xét vừa ghi. Bạn chỉ cần lắng nghe mấy bản nhạc lạ lùng của ông, và vài phần trong vở nhạc kịch Boris Godounof. Mà ngay cả vậy, bạn có thể không nhận biết trọn vẹn ý nghĩa của việc mô tả sự nhơ nhớp và xấu xa bằng nhạc, theo quan điểm tiến hóa về tinh thần.

Tuy nhiên, nếu thử tưởng tượng trong một lúc tâm thức của người toàn thiện, ta phải nhận ra một trong những yếu tố của tâm thức ấy là khả năng nhìn thấy mỹ lệ trong mọi vật. Tựa như ai chỉ có thể yêu quí bạn bè và thân nhân, là chưa có tâm thức thương yêu vô điều kiện nhắc tới trong lời khuyên ‘Hãy thương yêu người bên cạnh như chính mình’, thỉ ai chỉ có thể cảm nhận mỹ lệ nơi vật hiển nhiên đẹp đẽ, là chưa đạt tới nhận thức chân thực về Mỹ Lệ. Linh hồn muốn tiến hóa thì phải tiến hóa theo đủ mọi chiều hướng, và để đạt tới mức cao tột, nó phải không tránh né mức thấp nhất; nó phải làm theo dụ ngôn là ‘đi qua địa ngục để tới thiên đường.’
Chính khía cạnh giáo dục tinh thần này của nhạc Moussorgsky đã gợi hứng cho trường phái hội họa có phần việc phải làm là thăng hoa nét xấu xí. Kể từ khi Gauguin và Van Gogh xuất hiện, chỉ kể hai người trong số các họa sĩ này, có mầu sắc ảm đạm, hình vẽ phụ nữ xấu xí, hình tượng trưng cho điều gọi là cảnh nhơ nhớp, thô kệch, ám khói, dơ dáy của đời: tất cả những điều này trở thành đề tài đáng nói cho nghệ thuật họa hình.
Mà nhạc Moussorgsky còn có ảnh hưởng khác. Khi khiến lòng dân Nga nhận ra cảnh bẩn thỉu và khốn cùng trong đời sống của họ, và cùng lúc những âm chỏi nghịch của ông làm sụp đổ cách suy nghĩ thông thường, chót hết ông giúp làm khơi dậy lòng ghét bỏ sự câu thúc, sinh ra hệ quả là cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917. Đối với linh hồn đã tiến xa, trong đó có nghệ sĩ và văn sĩ, ông cho thấy nét mỹ lệ trong cảnh nhớp nhúa; còn với người trung bình ông chỉ ra sự khổ não của nó và gieo vào tâm trí họ niềm khao khát được tự do.
Ta thấy điều có vẻ như nghịch lý ở đây, nhưng ta chỉ cần xem lại kinh Tân ước để nhận ra là trọn khoa học tinh thần có đầy chuyện nghịch lý. Nó phải là vậy mà không sao tránh được khi con người ở những chặng tiến hóa khác nhau, (thí dụ ‘Ai muốn cứu sự sống của mình thì phải mất nó.’) Cùng một tác nhân mà khi thì nó mang lại sự sống và khi khác dẫn đến sự tử, há chẳng  phải vầng thái dương có nghĩa sự sống cho cây cỏ và sự chết cho vi trùng hay sao ? Thế nên một lần nữa ta thấy luật Tương Ứng tác động, âm nhạc ra sao thì sự sống cũng thế.
Dầu vậy nói riêng về Moussorgsky ta chớ tìm kiếm những nguyên nhân đưa tới cuộc cách mạng 1917, vì nhiều nhà soạn nhạc tiếng tăm khác của Nga cũng thêm vào đó phần của họ.Nếu xem xét đặc tính của gần hết nhạc Nga, ta sẽ thấy một trong các đặc điểm nổi bật nhất là sự khăng khăng về nhịp điệu. Do khả năng làm thúc giục, gây phấn chấn, nhịp điệu rất đáng nói ấy cho con người lòng hăng hái, tinh thần, can đảm, táo bạo. Chỉ trưng ra sự dơ bẩn của cuộc sống như Moussorgsky làm, thì không đủ để sinh ra cuộc cách mạng; ta có thể làm con người chú ý tới sự khổ não của khung cảnh bao quanh họ, nhưng không đạt được chuyện gì thực tế trừ phi bằng cách này hay kia, ta có thể khiến bùng cháy trong lòng họ sự nồng nhiệt và ý dám làm.
Nhạc ca múa trong dân gian đã đóng góp nhiều để mang vào tâm hồn dân Nga sự bạo dạn và lòng ái quốc, nhưng vũ ballet với trọn nhịp điệu sinh lòng hào hứng và tính chất của nó, đã cuối cùng châm ngòi ngọn lửa âm ỉ từ lâu, và cho các lãnh tụ của cuộc cách mạng những yếu tố chính khiến nó thành hình.

Nhạc Sĩ và Thể Thanh của họ

Đa số người dễ dàng chấp nhận là nghệ sĩ, dù là người sáng tạo hay trình diễn, có phần tâm lý  khác với người trung bình, nay ta hãy thử dùng hiểu biết về huyền bí học để xem khác biệt ấy nằm ở đâu. Trước tiên nghệ sĩ nói chung sinh hoạt bằng hệ thần kinh giao cảm hơn là hệ não tủy, nó có nghĩa họ thiên về tình cảm hơn là trí năng. Việc này tự nó sinh ra một khó khăn lớn cho họ, vì nhạc sĩ nói riêng - như đã ghi dù là người sáng tác hay chơi nhạc - thường khi bị chi phối bởi những tình cảm mà họ tìm cách gây ảnh hưởng nơi người khác.
Bởi được xem là người biết nhiều về tình cảm, và luôn gặp những người khác nhìn họ theo cách đó, con người nhạc sĩ bị chìm vào xoáy tình cảm mà ít người trong bọn có thể hiểu hay làm chủ, do thiếu khả năng chủ ý kháng cự hình tư tưởng xáo trộn hướng tới họ. Khả năng kháng cự ấy chỉ có thể có được khi con người biết kiểm soát phần nào những thể thấp của mình, và điều này không dễ, vì nhạc sĩ trung bình có thể có tình cảm dương tính so với người trung bình có thể có tình cảm âm tính, do vậy mà có nhiều xáo trộn và chúng tấn công bản tính đam mê của họ.
Tây phương chưa biết khoa học chính xác về Âm Thanh, các nhà soạn nhạc và nhạc sĩ không thể luôn luôn phân biệt được vô số ảnh hưởng mà các thể thanh của họ tiếp nhận.Đặc biệt nhà soạn nhạc khi chờ có hứng khởi là ở trong cảnh mà họ không có hiểu biết.Điều họ cảm nhận và truyền đi có thể nâng cao và gợi hứng, hay nó có thể làm ngược lại. Họ có trách nhiệm lớn lao, mà trong phần lớn sự việc họ không ý thức nó. Luôn luôn có dòng ảnh hưởng phát sinh từ Thiên đoàn - Hierachy, mà nhà soạn nhạc có tiếp xúc được với nó hay không thì còn tùy vào tình trạng của sự phát triển bên trong của họ.
Khó khăn của nhạc sĩ lại còn phức tạp thêm do ảnh hưởng của thiên thần tác động lên họ, như đã trình bầy rõ ràng trong hai trường hợp của Wagner và Scriabin. Để điều chỉnh cách biệt không thể tránh được xẩy ra do việc thiên thần - mà đa số không quen thuộc với các bó buộc và đòi hỏi của đời sống cõi trần - phù trì (overshadow) con người, các Chân sư đặt ra một số đường lực để nhờ vậy mối liên hệ giữa hai bên có thể diễn ra hòa hợp hơn. Vì thế ta chờ xem nghệ sĩ trong tương  lai phản ứng ra sao với cơ hội to tát như vậy cho họ.
Từ trước tới nay việc tiếp xúc giữa hai bên diễn ra chỉ rời rạc do đó phần lớn không được mãn nguyện; hoặc thiên thần không ảnh hưởng nhạc sĩ đủ về nhịp điệu, hoặc nhạc sĩ không thể duy trì mức rung động cần thiết để có thành công hoàn toàn.  Nay vài Chân sư chuyên việc điều khiển thiên thần loại cao gợi hứng cho các vị này nên làm theo cách nào, và bỏ cách nào mà tới nay xét ra cho kết quả không hay và có khi tai hại. Nhưng bao lâu mà nhạc sĩ tự mình chưa học được cách phân biệt ngay trong thể thanh của họ loại thiên thần cao với tinh linh bậc thấp vô trách nhiệm, tốt hơn họ đừng chủ tâm tìm cách hợp tác với thiên thần, mà nên chờ tới một kiếp khác.
Ta cần nói thêm là loại hợp tác như thế cần có sự kích thích mạnh mẽ căn thể, làm tâm thức não bộ của xác thân dần dần cảm biết. Chỉ bằng cách ấy con người mới tiếp xúc được với các thiên thần mà Chân sư giám thị, và loại bỏ mọi ảnh hưởng khác thuộc loại ít tốt đẹp bằng. Ấy sẽ là cách duy nhất mà Thiên đoàn nhìn nhận và có được sự hợp tác của các ngài, vì chuyện thấy là một phương pháp khi xưa kích thích luân xa nơi thể xác để trước tiên có ý thức về tinh linh, tỏ ra hết sức nguy hiểm trong tay ai vô trách nhiệm hay thiếu lương tâm.
Tất cả những ai, dù đang sống nơi cõi trần hay đã sang cõi bên kia, mà có thể tiếp xúc an toàn với thiên thần đều được Thiên đoàn nhận biết, nhờ vào nốt đặc biệt họ phát ra ở cõi thanh. Những người này được thử nghiệm và học cách làm việc với thiên thần lúc họ sinh hoạt bên ngoài thân xác, lâu trước khi họ ý thức chuyện gì xẩy ra ở  cõi trần. Chỉ khi Chân sư thấy rằng họ thích hợp thì tâm trí lúc tỉnh thức mới có được sự hiểu biết cách triệu thỉnh thiên thần, và rồi chỉ làm vậy để giúp đỡ đồng loại; nếu không có ngăn ngừa như thế và nếu sự hiểu biết này hóa phổ thông, ai muốn đạt quyền năng cho riêng mình sẽ có thể ra lệnh thiên thần làm theo ý họ, và do đó tái diễn lỗi lầm kinh khủng của châu Atlantis.
Để làm phát triển thêm mối liên hệ mới này giữa thiên thần và nhạc sĩ, trong tương lai gần nhạc sẽ có khuynh hướng hòa điệu hơn nhạc đương thời (sách viết năm 1933), và được gợi hứng với ý giúp nhân loại ổn định và làm chủ nhiều hơn các thể thanh của mình. Chỉ khi nào sự ổn định và làm chủ ấy đạt tới mức rất đáng kể, các đấng Cao Cả mới thấy an toàn để cho phép có, hay có thể có việc đưa nhạc thuộc cõi Bồ đề ra cho thế giới, với trọn hết vẻ mỹ lệ tuyệt vời của nó. Nếu nhạc loại ấy được phổ biến quá sớm, có rủi ro to tát là sinh phản ứng bất lợi cho ai có tâm tánh thiếu quân bình.
Về một mức nào đó, loại nhạc thiên về trí tuệ đã nói trước đây sẽ tương tự như chú ngữ của Ấn Độ, nhưng có khác biệt là trong khi nhạc sĩ thuở xưa mà cũng là giáo sĩ tìm cách nâng tâm thức lên cõi trí để thoát sự đe dọa của tình cảm mình, nhạc sĩ tương lai với việc làm chủ hoàn toàn trí năng, sẽ triệu thỉnh cư dân cõi cao đi xuống và gợi hứng cho họ. Những gì có thể làm để trợ giúp sự phát triển này đều được Thiên đoàn khuyến khích và hướng dẫn, vì việc chân ngã từ trên cao đi xuống phàm ngã là một trong những điểm chính của cuộc tiến hóa tương lai nơi con người trong nhiều thế kỷ tới.

Khởi Đầu của Nhạc và Tôn Giáo

Ta không cần tưởng tượng mấy cũng ý thức là nơi người sơ khai hẳn phải có ham muốn và ước ao mà họ không hiểu, và lại càng không có chữ nói thành lời, dù có muốn thế mấy. Tiếng nói không mà thôi là phương tiện hoàn toàn thiếu sót để diễn đạt, anh cần điều mạnh mẽ hơn mà ít xác định hơn; anh cần một ngõ thoát cho những tình cảm lạ lùng có tính khẩn cầu ấy, và sau chót anh tìm ra nó dưới dạng lời hát thô sơ. Anh khám phá là khi hát, theo một cách nào đó không biết được, lời van nài của anh dường như được lắng nghe, và nỗi khát khao được dịu xuống; anh thấy nhẹ lòng về mặt tình cảm, như  một phụ nữ lo lắng được an lòng khi cầu xin thần thánh trong tôn giáo bà.
Có thể ta nói hơi quá khi cho rằng trí người được gợi nên ý niệm đầu tiên về Thượng đế nhờ âm nhạc, nhưng khi người sơ khai cảm thấy lời cầu nguyện của mình được lắng nghe, tự nhiên là anh nghĩ tới một Đấng cao hơn mình, một Vị có thể trông chừng anh như cha mẹ lo cho con. Sau khi khám phá ra bài hát, anh nẩy sinh ý nghĩ về Thiên Mẫu, vị thần linh đầu tiên hết thẩy mà anh hướng về để được an ủi và che chở khỏi những bất trắc của cuộc đời.
Giai đoạn kế trong sự tiến hóa của tôn giáo là hiểu biết chung; một khi ý tưởng về Thiên Mẫu thành hình, nhân loại tạc nó trong gỗ hay đá, tạc tượng đặt trong hang vì anh cảm thấy nhu cầu có vật cụ thể để hướng về đó thờ lạy. Sau cùng, khi đã tạo ra hình tượng anh xếp đặt người canh giữ chúng và lo việc tế tự.Theo cách ấy sinh ra vai trò của giáo sĩ.Từ từ giáo sĩ cải thiện bài hát thô sơ và biến chúng thành lời xướng ngân nga. Người ta nhớ nằm lòng những câu xướng ấy và truyền từ đời này sang đời kia. Chỉ lâu về sau chúng mới được ghi xuống. Một trong những ảnh hưởng của chúng là làm tăng lòng nồng nhiệt về tôn giáo, với kết quả là con người bắt đầu lắc lư thân hình, nhẩy múa và vỗ tay. Theo với thời gian loại trống sơ sài nhất được nghĩ ra để nhấn mạnh nhịp điệu; việc này dẫn tới sự sáng tạo các nhạc cụ khác, và như thế âm nhạc được thật sự sinh ra như là một nghệ thuật.
Vậy ta thấy rằng ngay từ thuở ban đầu, nhạc được nối kết với tôn giáo, và giáo sĩ đóng một phần quan trọng trong việc hệ thống hóa và phát triển nó. Thực vậy, khi nhìn vào Thiên Ảnh ký - Akashic records,  người ta thấy vị giáo sĩ đầu tiên nào có lòng xả kỷ đủ để phụng sự nhân loại với tâm thanh khiết, có thể nghe được nhạc ở cõi cao, và kinh nghiệm ấy được diễn tả bằng câu nói:
– Giai điệu là kinh cầu của con người dâng lên Thượng đế, và hòa âm là câu trả lời của Ngài cho họ.
Không cần phải nói là giáo sĩ không thể chuyển những gì họ nghe được sang âm thanh cõi trần vì không có phương tiện, nó gợi hứng cho họ ý nghĩ là làm cho câu nhạc đang có nay gồm nhiều biến thái hơn, và từ ấy trở đi nhạc rất chậm chạp trở thành đa dạng hơn.
Các giáo sĩ khi khám phá ra tiềm năng của mantra hay chú ngữ và lời xướng, cùng nhận biết rằng nếu vài nốt nào đó được nhắc lại thì ta có thể có kết quả rõ ràng và làm quyền lực tác động, đã dùng hình thức đặc biệt này của huyền thuật - vì đó là huyền thuật - cho mục tiêu cao thượng và xây dựng, trong giai đoạn đầu của lịch sử châu Atlantis. Dưới ảnh hưởng của các bậc Đạo đồ, Âm Thanh được dùng để tạo nên những hình thái xinh đẹp, gợi hứng chuyện lạ lùng; nhưng vào các thời kỳ sau của nền văn minh hùng mạnh ấy, âm được dùng hoàn toàn như là một lực phá hoại. Âm chỏi nhau được chủ ý dùng để làm vỡ tan và rời rã. Như ai học huyền bí học đều biết, việc dùng huyền thuật cho mục tiêu xấu là nguyên nhân khiến châu Atlantis sụp đổ, và như vậy chẳng những giai đoạn đen tối của âm nhạc tại châu này bị tiêu tan, mà luôn cả hiểu biết khoa học của việc ứng dụng và tiềm năng của Âm Thanh, điều sinh ra tai biến đó.
Bất cứ khi nào một quyền năng hay phần hiểu biết hóa suy đồi do bị lạm dụng, những đấng Cao Cả để cho nó chìm khuất, mất dấu trong một khoảng thời gian rồi qua bao thời đại về sau tái hiện, không chừng dưới hình thức khác đã được thanh tẩy.
Một trong các nhà soạn nhạc đầu tiên đóng vai trò mang lại hình thức mới của âm nhạc thuộc châu Atlantis hồi xưa là Debussy. Nói về mặt huyền bí thì tuy không ý thức, ông được những đấng Cao Cả sử dụng để đưa rung động của âm thuộc mẫu chủng thứ tư vào mẫu chủng thứ năm. Để làm việc ấy, ông học hỏi và thấm nhuấn đặc tính của âm nhạc đảo Java, là phần đất còn sót lại của châu Atlantis tuy đã biến đổi và thuần khiết hơn.Nhạc loại này cho ra ảnh hưởng mạnh mẽ lên thể xác xuyên qua thể tình cảm, đặc biệt là lên huyệt đan điền.
Thí dụ hiển nhiên cho việc âm nhạc của mẫu chủng thứ tư hòa lẫn với mẫu chủng thứ năm, được thấy trong hành âm thứ hai Fêtes trong bản Nocturnes của ông, trong đó lời ca cổ xưa thực sự liên kết với đền thờ của quá khứ hòa lẫn một cách tế nhị với tính chất hoàn toàn hiện đại. Các nhà soạn nhạc nối tiếp Debussy biểu lộ một cách vô thức những đặc tính phá hoại và gay gắt hơn của nhạc Atlantis, tuy ở mức cao hơn của vòng tiến hóa xoắn ốc; bởi như đã ghi ở bài Nhạc Jazz PST 71, lực phá hoại này được dùng để làm tan rã nhiều loại hình tư tưởng cổ xưa tệ hại. (còn tiếp)

Theo:Music: Its Influences throughout the Ages,
C. Scott